Cứ mỗi khi đông về, người dân bản Én Cổ lại phải gồng mình chống chọi với giá rét. Quanh năm đồng bào nơi đây chỉ trông chờ vào nương ngô, nương lúa. Cách xa trung tâm thị trấn, đường xấu nên việc đi lại rất khó khăn, trường lớp còn đơn sơ, dột nát, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, điện chỉ đủ thắp sáng và chưa có sóng điện thoại. Các em nhỏ đến trường phải trèo đèo lội suối vượt qua bao cây số mới đến được trường. Trẻ em đi học đến trường bằng đôi chân đất và những chiếc áo mỏng manh trong tiết trời giá lạnh. Cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Én Cổ còn nghèo khó quá, cái nghèo đói cứ đeo bám mãi mấy chục năm nay. Những nhu cầu thiết yếu nhất tưởng chừng như rất bình dị nhưng lại là giấc mơ xa xôi với con người nơi đây…
Bởi vậy chúng tôi đã chọn Én Cổ trong chuyến đi hỗ trợ cộng đồng lần này...
Ngày 26/08:
Xe khởi hành từ 5h30 sáng, vượt qua một chặng đường dài hơn 300km, 12h trưa chúng tôi đặt chân đến thành phố Hà Giang. Ăn bữa trưa vội vã, rồi lại hối hả lên xe tiếp tục cuộc hành trình còn rất dài phía trước. Từ tp Hà Giang, đi hơn 150km nữa mới đến ủy ban nhân dân xã Én Cổ, đường ngoằn nghèo, khúc khuỷu, tốc độ di chuyển chỉ 25 km/h.
Trời bắt đầu mưa như trút nước, đường núi dốc và xấu, lại rất nhiều đoạn đường đang làm nên rất khó di chuyển, tất cả như muốn thách thức những tình nguyện viên nhưng chỉ cần nghĩ đến ánh mắt, niềm vui của những em bé Én Cổ, chúng tôi có thể vượt qua tất cả. 7h tối chúng tôi đến Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Phong, số lượng xe ôm chỉ đủ để chở đồ hỗ trợ, bởi vậy chúng tôi đi bộ vào bản. 9h chúng tôi đến được nhà cô chú Tông ở bản Én Cổ. Bao nhiêu sự mệt mỏi như được xua tan hết bởi sự đón tiếp nồng hậu, ấm áp của chủ nhà, các đồng chí công an, cán bộ xã và các thầy cô giáo ở bản.
Ngày 27/08:
Buổi sáng cả đoàn tập trung ở trường học, vừa chuẩn bị quà, vừa nói chuyện với các thầy cô giáo. Câu chuyện cứ ngắt quãng, trầm ngâm vì sự xúc động của họ. Tôi hỏi họ: “Điều gì giữ chân các anh chị ở nơi đây”, bất ngờ khi nghe họ chia sẻ rằng: “Mùa đông đến cái rét ở dưới xuôi chẳng là gì nếu so với cái rét ở Én Cổ. Có những buổi sáng chúng tôi đứng giảng bài, mặt tím tái vì lạnh. Dưới kia, hàng chục học sinh nhỏ xíu, đi chân đất, áo không đủ ấm, da mặt cháy đỏ, tay run rẩy cầm bút. Duy chỉ có ánh mắt ham học vẫn bừng sáng cả núi rừng, chính những ánh mặt học trò tha thiết đã giữ chúng tôi ở lại nơi đây.” Tôi chợt thấy tim mình thắt lại, thấy cảm phục họ vì đã chọn một nghề vô cùng thiêng liêng...
.JPG)

8:30 chúng tôi bắt đầu trao gửi 80 suất quà gồm áo ấm, các đồ dùng cần thiết, chăn ấm, ngũ cốc, sữa, mì tôm, cho các em học sinh và các cụ già trong bản. Nhìn mọi người vui mừng khi nhận quà, chúng tôi thấy đây như niềm vui của chính mình vậy. Chúng tôi mong muốn chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, góp phần giúp đỡ đồng bào, các em học sinh có được mùa đông ấm áp. Thế là giấc mơ về một mùa đông không lạnh ở Én Cổ, giấc mơ về những tấm áo nghĩa tình sưởi ấm ngôi trường nhỏ ở vùng cao đã phần nào thực hiện được.
Ngày 28/08:
Chúng tôi chia tay chủ nhà và bà con trong bản để trở về Hà Nội. Biết chúng tôi về, mọi người đã đến từ sáng sớm để tiễn chúng tôi. Chúng tôi trở về trong sự quyến luyến và bịn rịn của người dân trong bản, xúc động nghẹn ngào, tôi chợt nhớ đến câu thơ của Tố Hữu:
“Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”
Về đến Hà Nội mà trong lòng vẫn đầy tiếc nuối và bao trăn trở. Én Cổ như “đã hóa tâm hồn” , trở thành một phần trong trái tim chúng tôi. Mình lạnh thì họ còn lạnh hơn nhiều, mình may mắn hơn họ là có cơm no áo ấm, hãy cùng chia sẻ chút ấm áp, sưởi ấm trái tim họ bằng trái tim tràn đầy yêu thương.
Nguyễn Trang