“Nếu bạn muốn có hạnh phúc hãy trao nó cho người khác”
Frank Tuyyer
Và team Asiatica Foundation chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đi đem những niềm hạnh phúc nhỏ bé của mình đi đến Bằng Thành, 1 bản xa xôi của xã Pắc Nặm, tỉnh Bắc Cạn. Nơi đây mùa đông trẻ con vẫn không đủ áo ấm, cơm ăn không đủ no, cứ đôi chân trần đến lớp, có em chỉ có 1 manh áo mặc suốt mùa đông, thậm chí nhiều em nhỏ còn không được đến trường.
Sau nhiều tháng chuẩn bị và huy động quyên góp, Asiatica Foundation và nhóm thiện nguyện trẻ đã huy động được rất nhiều sự ủng hộ từ các nhà hảo tâm. Bút, vở, gạo, mì tôm, thuốc, áo ấm, sữa, chăn, màn....dường như đã đầy đủ để lên đường mang hơi ấm cho mùa đông bớt lạnh, mang tiếng cười hòa vang cùng núi rừng, mang đến 1 cái tết đủ đầy hơn cho các em nhỏ.
Ngày 1: Hà Nội – Bằng ThànhXa khỏi những bộn bề của cuộc sống và công việc , xe chúng tôi lăn bánh khi thành phố đã ngủ yên. Nhưng hòa vào không gian tĩnh mịch của màn đêm lại là những tiếng hát, tiếng cười của 30 con người đầy sức trẻ, nhiệt huyết, và sự khát khao được đóng góp sức của mình cho xã hội. Chắc hẳn ai trong chúng ta sau này cũng khó có thể tìm lại 1 thời như thế.
Trời dần sáng, xe chúng tôi vẫn bon bon trên những nẻo đường núi quanh co, tiếng gà đã vang lên, đâu đó một vài mái nhà ẩn hiện sau làn sương sớm. 1 cảm giác bình yên đến lạ!
Mặt trời đã tỏ, và chúng tôi chỉ còn 1 đoạn đường ngắn nữa thôi là sẽ tới được Bằng Thành, nhưng đến lúc này khó khăn của chúng tôi mới bắt đầu... Càng vào sâu bên trong những con đường rừng, đường đi lại càng xấu và lầy lội. Ở huyện vùng cao Pắc Nặm này, đường xá còn chưa được nhà nước đầu tư cải tạo nên đường nhựa rất ít, chủ yếu là những con đường đá và đất. Những con đường này gặp trận mưa đêm qua lại càng trở nên trơn, bết và dính. Xe chúng tôi đã không thể lên nổi những con dốc. Lo lắng dần xuất hiện trên gương mặt của các thành viên. Làm sao để chúng tôi vượt qua được con dốc này? Liệu phía trước còn bao nhiêu con dốc như vậy nữa. Mọi nỗ lực để xe đi qua được con dốc dường như vô vọng. Và rồi chúng tôi phải nhờ xe kéo của 1 công trường gần đó để kéo xe và xe tải qua được con dốc đó.
.jpg)
Lúc này đã là gần 10h sáng, chúng tôi đã đến muộn hơn 2 tiếng so với dự kiến. Nhưng khó khăn chưa dừng lại, xe tải và xe chúng tôi lại gặp tiếp 1 con suối nước đang chảy siết. Xe khách chở chúng tôi may mắn đã qua được suối, nhưng lại gặp ngay 1 con dốc cao và lầy lội khác. Lại 1 lần nữa xe lại không thể vượt lên dốc. 30 con người chúng tôi đã phải cùng nhau lấy đá, rễ cây , thậm chí rất nhiều bao trấu để lấp những hố lầy và làm khô con dốc nhằm hi vọng bánh xe không bị trượt và xe có thể đi qua. Sau hơn 30 phút, xe đã có thể lên dốc. Nhưng còn chiếc xe tải, không thể vượt qua suối và đã chết máy ngay giữa suối. Khó khăn này chưa qua, khó khăn khác lại tới, sau nhiều cố gắng kéo xe tải, sức người dường như bất lực, chúng tôi lại phải nhờ sự giúp đỡ của xe kéo để kéo xe khỏi suối. Thời gian lúc này đã là 1h chiều. Cả đoàn đã bị chậm kế hoạch của buổi sáng. Và nếu xe tải không thể qua suối lúc này thì chúng tôi sẽ chậm luôn cả kế hoạch phát quà buổi chiều. Không còn lựa chọn nào khác, cả đoàn quyết định dỡ hàng từ xe tải cho lên che khách để cho kịp chương trình. Cảnh tượng lúc đó làm tôi nghĩ đến hình ảnh của các đoàn dân quân đi tải đạn hồi chiến tranh ai cũng hăng hái, làm việc hết sức mình. Đồ đã được chuyển sang xe, chúng tôi không còn chỗ ngồi nữa. Buồn thay con đường phía trước còn 10km nữa . Và rồi cả đoàn quyết định cùng nhau đi bộ đoạn đường còn lại. Thong dong thả hồn vào với mây trời, nghe tiếng chim hót, nghe tiếng suối vang, thi thoảng dừng lại chụp ảnh vài cánh hoa rừng, cảm giác này thật tuyệt yeah! Nhưng mà chỉ tuyệt được 1 lúc thôi, khi mà đôi chân đã mỏi thì con đường dường như càng trở nên xa hơn. Mốc chỉ giới lúc này đã trở thành 1 nỗi ám ảnh khi nhìn vào mã vẫn thấy còn 5km nữa . Đi rồi cũng đến, hơn 3h chiều, cả đoàn đã tới được đích, và niềm khát khao nhất lúc này đây không gì khác là được ăn 1 bát cơm dù chỉ với nước mắm cũng thỏa .^ ^

Tuy không phải lần đầu đi đến những bản làng nghèo khó của vùng núi phía bắc, dù là Cốc Đông, Phiềng Pán, Nà Niếng hay Bằng Thành cũng đều mang đến cho tôi cảm giác xót xa về những mảnh đời khó khăn cơ cực. Người dân sống trong những ngôi nhà rách nát, lụp xụp. Trẻ em thì thiếu ăn, thiếu mặc, phong phanh, chân tay chúng tím tái, nứt nẻ ra trong cái tiết trời đông sương muối giá rét của miền bắc. Các em học sinh dù đã được sự hỗ trợ phần nào từ các chính sách ưu đãi của nhà nước đối với đồng bào dân tộc nhưng cũng chỉ làm vơi bớt được phần nào đi khó khăn của các em mà thôi. Vì nhà xa nên nhiều em phải ở lại trường, đến cuối tuần mới về nhà. Nhìn những dãy nhà ký túc xá lập bằng mái tôn, tưởng chỉ là những tấm lưới b40, hay có dãy nhà chỉ là lợp lá, tôi thấy sao mà số phận trẻ em Việt Nam sao mà khác nhau quá! Trẻ em thành phố thì sống trong sự dư thừa, thì trẻ em miền núi đến bữa ăn còn không đủ no: chỉ có ít cơm khô khốc chan nước canh, ăn cùng vài miếng đậu, thi thoảng mới được bữa có thịt.

Ăn vội bữa cơm đạm bạc ở trường học, chúng tôi tranh thủ khuân đồ xuống cho kịp đi phát quà cho các em học sinh mầm non và cấp 1. Nhưng vì chúng tôi đến quá muộn nên rất nhiều em học sinh cấp 1 đã về nhà cho kịp trước khi mặt trời xuống núi. Chúng tôi biết được sự háo hức của các em khi biết các anh chị sẽ đến phát quà, nhưng tiếc thay các em đã không đợi được chúng tôi Chúng tôi chỉ kịp phát quà và khám bệnh cho các em mầm non, còn các em cấp 1 thì đành gửi quà lại cho nhà trường để các thầy cô phát cho các em vào đầu tuần.
Chiều dần buông, nhưng tia nắng cuối cùng trong ngày cũng dần dần tắt lịm. Cả đoàn chúng tôi lại vội vàng ăn nhanh bữa cơm tối để cùng nhau chuẩn bị đêm giao lưu văn nghệ với các em học sinh và bà con dân bản. Đúng 8h, chương trình được bắt đầu. Đoàn tình nguyện chúng tôi đã chuẩn bị rất nhiều bài hát để tặng các thầy cô, các em học sinh, người dân và đáp lại tình cảm của chúng tôi. Các em nhỏ cũng trình diễn rất nhiều tiết mục hát và múa tuy còn vụng về nhưng lại chan chứa tình cảm. Và chúng tôi cứ hát, cứ nhảy mặc cho thời gian trôi. Màn đêm buông xuống, trời trở lạnh hơn, ngôi trường chìm vào giấc ngủ. Cả đoàn chúng tôi được thu xếp ngủ trong 1 lớp học. Lại 1 đêm khá dài vì tất cả mọi người đều thiếu chăn ấm, còn nền nhà thì lạnh như băng. Có thế chúng tôi mới thấu hiểu được phần nào nỗi khổ của các em nhỏ vùng cao khi đông đến.
Ngày 2: Bằng Thành ( phát quà cho các em học sinh cấp 2)Các em nhỏ cấp 2 phải học thứ 7 nên chúng tôi tổ chức việc khám chữa bệnh và món quà sau giờ học buổi sáng. Ngay từ sáng sớm, mọi người trong đoàn đã tất bật chuẩn bị cho lễ phát quà. Còn 1 tốp các bạn nam tiếp tục việc sửa lại nhà và xây nhà vệ sinh cho vợ chồng cụ Lý Văn Chằng, 2 cụ già có hoàn cảnh khó khăn ở cách đó không xa.
“Em ơi, cái bàn kia để ở bục chào cờ nhé” , “ còn đằng kia để bàn khám bệnh của bác sĩ”, “ chị ơi quà đã được đếm đủ rồi ạ!”, “ đồ đã mang ra hết chưa em? ” “ em ơi, thùng thuốc để đằng kia nhé” …tiếng nói tiếng cười rộn ràng, ai cũng tất bật để chuẩn bị sẵn sàng. Các em học sinh chắc lúc đó cũng háo hức lăm, chắc chỉ mong thật nhanh qua tiết học để được nhận quà và vui chơi
9h, trống trường đã điểm, các anh chị đã sẵn sàng, các em học sinh cũng kết thúc giờ học buổi sáng. Chỉ chưa đầy 5 phút các em đã ổn định được chỗ ngồi dưới sự chỉ đạo của cô tổng phụ trách. Lần lượt từng lớp một xếp hàng để đến bàn của bác sĩ khám bệnh. Các em nhỏ nơi đây không chỉ thiếu thốn về cái ăn, cái mặc mà còn không được chăm sóc y tế cẩn thận nên rất nhiều em bị bệnh ngoài da, đa phần các em đều rất gầy còm. Có em học sinh lớp 6 mới chỉ cao 1,1 m và nặng có có 18 kg. Thương quá! Thoạt đầu tôi còn tưởng em đó là học sinh của trường cấp 1 gần đó.

Sau khi khám bệnh xong, các em sẽ được nhận quà: một vài quyển vở, bút viết, mì tôm và dép lê được các anh chị gói chỉnh chu. Tôi nhìn thấy được niềm vui, niềm háo hức trên khuôn mặt còn e ấp, nhút nhát của các em. Ngày hôm nay các em đã có vở, đồ dùng học tập, chăn màn mới và cũng không phải đi chân trần hay những đôi dép cáu bẩn đã mòn vẹt đi vì đã dùng rất lâu rồi.
Trong lúc bác sĩ khám bệnh, và phía trên phát quà cho từng em nhỏ thì 1 vài thành viên trong đoàn tổ chức các trò chơi tập thể cho các em. Đây có thể nói là những lúc vui vẻ nhất của tất cả các chuyến đi. Các anh chị cũng không quên chuẩn bị những món quà nhỏ cho các em thắng trong các trò chơi. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng hát làm rộn rã cả không gian vốn tĩnh lặng của chốn núi rừng. Buổi sáng hôm đó trời nắng ấm, dường như ông trời đã không phụ tấm lòng của chúng tôi, đã cùng chúng tôi mang “nắng ấm” đến với Bằng Thành và hơn thế là mang những niềm vui bình dị cho các em nhỏ nơi bản làng xa xôi này

Gần trưa, toàn bộ học sinh của trường đã được phát quà và khám bệnh xong. Và buổi chiều chúng tôi tiếp tục khám chữa bệnh cho người dân của bản.
Buổi tối, cả đoàn cùng các thầy cô giáo, các em học sinh đã có 1 buổi tối đốt lửa trại chia tay thật vui và ấm cùng. Chúng tôi cùng nhau nhảy quanh đống lửa đang cháy sáng và ấm áp như chính nhiệt huyết của tuổi trẻ đang chảy trong huyết mạch của mỗi chúng tôi. Và “ngọn lửa” này sẽ không bao giờ tắt, và chính các em nhỏ nơi đây sẽ là những người tiếp tục duy trì ngọn lửa của niềm tin và hi vọng. Chúng tôi xích lại gần nhau hơn bao giờ hết, chỉ ngày mai thôi là chúng tôi phải chia tay các em nhỏ để trở về lại với cuộc sống thường ngày và chắc là sẽ rất lâu mới có dịp quay lại nơi đây. Tôi đã nhìn thấy những giọt nước mắt của các em nhỏ, và những bức thư viết vội mà các em gửi cho từng anh chị mà mình yêu quý. Có những em trong thư xin hứa sẽ học thật giỏi để trở thành bác sĩ, thành cô giáo như anh chị. Tận đáy lòng chúng tôi vui và hạnh phúc vì phần nào đó chúng tôi thắp được niềm tin nơi các em. Và chúng tôi tin trong số các em sẽ có em sẽ vững tin và nỗ lực mỗi khi đến trường để thực hiện được ước mơ của mình. Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc phải nói lời chia tay, 12h đêm, trời đã khuya, các em phải trở về phòng ngủ và chúng tôi cũng nhanh chắm chìm vào giấc ngủ sau 1 ngày thật vui và thật dài.


Ngày 3: Bằng Thành – Hà Nội
Chúng tôi dậy sớm để thu xếp đồ đạc và lên xe về Hà Nội
Phút chia tay thực sự lưu luyến, rất đông các em học sinh ra tiễn đoàn. 1 vài bức thư được trao vội, 1 vài dòng lưu bút các anh chị gửi lại trong quyển sổ nhỏ xinh của các em. Các em nhỏ nơi đây rất tình cảm và lễ phép. Đã rất lâu rồi tôi mới nhận được bức thư tay với những dòng chữ chan chứa tình cảm mà không phải từ 1 anh chàng nào đó. Cảm giác vui vui trong lòng

Tạm biệt BằngThành! Hẹn gặp lại các em yêu quý vào 1 ngày gần nhất!
Tác giả: Nguyễn Trang Nhung
14 - 17/1/2016 - Bằng Thành, Pắc Nặm, Bắc Cạn
Nơi niềm vui đong đầy, nơi chia sẻ yêu thương!
Asiatica Foundation xin gửi lời cảm ơn đến toàn bộ mọi người trong gia đình Asiatica Travel, Asiatica Aventura, Mai Chau Ecolodge, khách sạn Hà Nội Emotion, và đặc biệt là sự hỗ trợ nhiệt thành của nhóm Thiện Nguyện Trẻ và công ty cổ phần đầu tư phát triển kĩ thuật Hà Nội đã giúp chúng tôi hoàn thành chuyến đi này. Chúng tôi hi vọng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ trong các chuyến đi tiếp theo !